Cầu Cổng Vàng ( tiếng Anh : Golden Gate Bridge ) hay Kim Môn kiều là một cây cầu treo nối liền Cổng Vàng, cửa ngõ vào của vịnh San Fran...
Cầu Cổng Vàng (tiếng Anh: Golden Gate Bridge) hay Kim Môn kiều là một cây cầu treo nối liền Cổng Vàng, cửa ngõ vào của vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Là một phần của cả hai xa lộ US 101 và California State Route 1, chiếc cầu nối liền thành phố San Francisco trên mũi phía bắc của bán đảo San Francisco với hạt Marin. Khi được hoàn thành vào năm 1937, The Golden Gate Bridge là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, và đã trở thành một biểu tượng quốc tế của San Francisco, California, Hoa Kỳ. Kể từ khi hoàn thành đến nay đã có tám chiếc cầu khác có chiều dài vượt qua Cầu Cổng Vàng. Tuy thế, nó vẫn là cây cầu treo dài thứ hai ở Hoa Kỳ, sau cầu Verrazano-Narrows ở New York. Vào năm 2007, nó đã được xếp hạng thứ năm trong Danh sách những kiến trúc Hoa Kỳ được yêu thích do Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ bầu chọn.
Mặc dù ý tưởng về một cây cầu bắc qua Cổng Vàng đã có từ trước nhưng mãi đến năm 1916 thì ý tưởng đó mới được đưa ra trong một bản tin của San Francisco bởi James Wilkins lúc đó đang là sinh viên kỹ thuật.Theo ước tính của Hội Kỹ Sư thành phố, đế xây dựng được một cây cầu phải tốn 100 triệu USD, một con số quá lớn trong thời kỳ đó và một câu hỏi đã đặt ra cho các kỹ sư cầu đường là liệu họ có thể xây dựng được một chiếc cầu với chi phí thấp hơn không. Một người đã đưa ra đáp án cho vấn đề trên, đó là Joseph Strauss, một kỹ sư có nhiều hoài bão và mơ ước. Trong luận văn tốt nghiệp của mình ông thiết kế một cây cầu sắt dài bắc qua eo biển Bering. Trước đó Strauss đã hoàn tất 400 chiếc cầu kéo, hầu hết là được xây dựng trên đất liền, chưa có công trình nào mang tầm cỡ của công trình mới này.Trong những bản vẽ đầu tiên của mình Strauss thiết kế một mút chìa đỡ bao lơn cực lớn ở hai phía của eo biển, hai mút chìa này được nối với nhau bởi một đoạn treo ở trung tâm mà theo Strauss phân đoạn này có thể được xây dựng với 17 triệu USD.
Chính quyền địa phương đồng ý việc xây cầu theo ý tưởng của Strauss với điều kiện là Strauss phải chỉnh sửa thiết kế và chấp nhận thông tin đầu vào từ các chuyên gia tư vấn dự án. Một bản thiết kế về một cây cầu treo được xem là thực tế nhất bởi vì nó phù hợp với những tiến bộ trong ngành luyện kim thời bấy giờ.
Strauss phải mất hơn mười năm để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng Bắc California..Việc xây dựng chiếc cầu vấp phải nhiều sự phản đối kể cả kiện tụng. Cục Chiến tranh lo ngại rằng cây cầu sẽ cản trở giao thông đường thủy; hải quân sợ rằng một vụ va chạm tàu hoặc việc phá hủy cầu có thể chặn lối vào một trong những cảng chính của nó. Liên đoàn lao động yêu cầu phải tuyển dụng nhân công địa phương làm việc cho công trình. Tập đoàn Đường sắt Nam Thái Bình Dương, một trong những đơn vị kinh doanh phát đạt nhất ở California đã phản đối việc xây chiếc cầu vì cho rằng chiếc cầu sẽ gây ảnh hưởng đến dịch vụ phà của họ và đệ đơn kiện chống lại dự án. Sự việc đó dẫn đến một cuộc tẩy chay hàng loạt nhằm vào dịch vụ phà của tập đoàn này.Tháng 5 năm 1924, Đại tá Herbert Deakyne thay mặt cho Bộ trưởng Chiến tranh tổ chức phiên điều trần thứ hai yêu cầu sử dụng đất liên bang cho việc việc xây dựng cầu. Deakyne, thay mặt cho Bộ trưởng Chiến tranh, chấp thuận chuyển nhượng đất đai cần thiết cho việc xây dựng cây cầu và các con đường huyết mạch cho "Hiệp hội Xây dựng cầu Cổng Vàng".[Strauss có thêm một đồng minh nữa là ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô mới ra đời mong muốn sự phát triển cầu đường sẽ kích thích nhu cầu mua xe của người dân.
Tên của cầu lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1917 trong cuộc thảo luận ban đầu giữa Strauss và kỹ sư của thành phố San Fransisco. Cái tên được chính thức công nhận trong đạo luật Golden Gate Bridge and Highway District do cơ quan luật pháp của tiểu ban hành năm 1923.
Thiết kế
Strauss là kỹ sư trưởng phụ trách thiết kế tổng thể và xây dựng của dự án. Tuy nhiên, do ông có ít kinh nghiệm và hiểu biết trong thiết kế cáp treonên phần lớn các nhiệm vụ liên quan đến kỹ thuật và thiết kế do những chuyên gia khác phụ trách.
Irving Morrow, một kiến trúc sư dân cư gần như chưa được biết đến đảm trách thiết kế hình dáng tổng thể của những tháp cầu, kết cấu chiếu sáng, và các loại trang trí nghệ thuật như đèn đường, lan can và lối đi. Với sự thuyết phục của nhiều người dân địa phương, Morrow đã thay màu xám bạc chuẩn mực bằng màu cam quốc tế nổi tiếng dùng cho lớp sơn phủ của cây cầu và từ đó đến nay màu sắc đó vẫn không thay đổi.
Kỹ sư lão luyện Charles Alton Ellis, cộng tác từ xa với nhà thiết kế cầu nổi tiếng Leon Moisseiff, là kỹ sư chính của dự án. Với thiết kế kết cấu cơ bản của mình, Moisseiff đã đưa ra "lý thuyết độ lệch" mà theo đó một con đường mỏng và mềm mại sẽ lúc lắc theo gió, điều này làm giảm đáng kể sức ép đối với cây cầu bằng cách chuyển các áp lực vào các dây cáp treo và đến tháp cầu. Mặc dù Cầu Cổng vàng đã chứng minh được sự hoàn chỉnh trong thiết kế, tuy nhiên, một thiết kế sau này của Moiseiff, cây cầu Tacoma Narrow đầu tiên đã đổ sập trong một trận dông bão không lâu sau khi hoàn tất.
Ellis là một học giả và là nhà toán học có thời gian làm giảng viên kỹ thuật cho trường Đại học Illinois mặc dù ông không có bằng cấp kỹ thuật nào (cuối cùng ông cũng lấy được bằng kỹ sư dân dụng của trường Đại học Illinois trước khi thiết kế cầu Cổng Vàng và sau đó làm giảng viên của Đại học Purdue trong 12 năm trước khi về hưu). Ông trở thành chuyên gia trong thiết kế kết cấu, tác giả của những quyển sách giáo khoa chuẩn mực thời bấy giờ.Ellis đã đóng góp nhiều lý thuyết và kỹ thuật để xây dựng cây cầu nhưng ông lại ít được tín nhiệm.Tháng mười một năm 1931, lấy lý do là để hạn chế chi phí gởi và nhận điện tín với Moisseiff, Strauss sa thải Ellis và thay thuộc cấp cũ của mình là Clifford Paine vào vị trí của Ellis.Do quá say sưa với dự án và không thể tìm được việc làm khác trong thời kỳ Suy Thoái, Ellis chấp nhận làm việc không lương 70 giờ một tuần.
Để tự quảng bá bản thân và được lưu danh, Strauss đã hạ thấp những đóng góp của các cộng sự của mình, những người đã làm việc hết mình để cây cầu được hoàn thành dù họ nhận được rất ít sự thừa nhận và được trả lương rất thấp. Ông đã làm được việc ghi công mình như là người đóng vai trò chính trong thiết kế và tầm nhìn của cây cầu. Chỉ rất lâu sau đó đóng góp của các thành viên khác mới được đánh giá một cách đúng đắn.Tháng 5 năm 2007, quận Cầu Cổng Vàng đưa ra báo cáo chính thức về 70 năm cống hiến của chiếc cầu nổi tiếng và quyết định điều chỉnh sai lầm cũ bằng cách công nhận Ellis là người thiết kế cây cầu.
Theo dõi bộ phim để khám phá thêm về thế giới của những người xây dựng cầu, và hiểu thêm về địa chấn cũng như việc phòng tránh thảm họa địa chấn trong tương lai.